Sau một thời gian tạm lắng vì dịch Covid-19, nhìn lại những tháng ngày an trú, Tân Nhàn có những xúc cảm như thế nào về hai chữ sống chậm?
- Thật ra thời điểm đó cũng có những lúc buồn vì không được lên sân khấu, không được làm những việc mình yêu thích, nhưng nhìn lại Tân Nhàn thấy đã vừa trải qua một khoảng thời gian tuyệt vời mà rất hiếm hoi trong đời người có được. Đó là những tháng ngày sống thật sự chậm, rất chậm.
Trước đây cứ mải miết đi làm, lo lắng hết dự án này đến dự án khác mà ít có thời gian để suy ngẫm về nhiều điều xung quanh mình. Thời gian vừa rồi đã cho Tân Nhàn được đủ thời gian để nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, cũng dành thời gian làm được nhiều việc hơn, tập trung hoàn thiện được những dự án lớn mà sắp tới đây Tân Nhàn sẽ công bố với khán giả.
Trong cuộc sống bộn bề hôm nay, mỗi chúng ta đều là những người đi nhanh, thậm chí là vội vã trên đường đời. Bỗng dưng đi chậm lại sẽ có những cảm giác rất đặc biệt, sẽ thấy mình tĩnh tâm hơn, nhìn cuộc sống nhân hậu, đơn giản hơn. Và cũng vì từng bước chậm rãi suy tư đó mà suy nghĩ mọi việc được thấu đáo, sâu sắc hơn.
Không ít nghệ sĩ đã tự nhận họ stress vì quá lâu không được ca hát nhớ khán giả, nhớ sân khấu, còn Tân Nhàn thì sao?
- Đã là nghệ sĩ thì ai cũng sẽ nhớ sân khấu thôi. Tân Nhàn không chỉ nhớ sân khấu, mà còn nhớ học trò của mình, nhớ những buổi đến lớp. Là một giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Tân Nhàn luôn tâm huyết với việc đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng cho nhạc Việt, vì vậy, nghỉ dạy học còn buồn hơn là nghỉ… đi hát. Ơn trời là mọi thứ đều đã qua rồi, chúng ta lại trở lại với nhịp sống bình thường, nhưng chắc chắn sẽ có những đổi khác khi chúng ta vừa trải qua chuỗi ngày "sống chậm" gần như là khoảng thời gian "thiền định" để suy ngẫm về mình, về cuộc sống. Bởi vậy, Tân Nhàn tin mọi thứ khi trở lại đều sẽ tốt đẹp hơn.
Tân Nhàn có kế hoạch ra sao cho ngày trở lại thật thỏa sức đến ấn tượng của mình không?
- Tân Nhàn đang hoàn thiện những dự án của mình, kể cả về nghệ thuật và trong lĩnh vực giảng dạy. Đây là những dự án lớn mà Tân Nhàn đã ấp ủ trong thời gian khá lâu, kịp hoàn thiện về cơ bản thời gian nghỉ dịch vừa qua. Khán giả sẽ sớm biết thôi và mong sẽ ủng hộ cho Tân Nhàn.
Trở lại với sân khấu, Tân Nhàn có nghĩ mình sẽ làm mới điều gì để khán giả dễ nhớ, ít nhất là thay đổi hình ảnh gây ấn tượng?
- Thực ra là nghệ sĩ, mỗi khi bước lên sân khấu đều đã là một sự mới mẻ, mới trong cách hát, mới trong hình ảnh, mới cả về cảm xúc… Tân Nhàn là một nghệ sĩ của dòng nhạc truyền thống, tất nhiên sẽ không có những sự thay đổi như của các nghệ sĩ trẻ, dòng nhạc trẻ, mà quan trọng là làm thế nào để hài lòng khán giả của mình, chuyển tải được thông điệp của bài hát đến trái tim của khán giả qua mỗi lần biểu diễn. Tân Nhàn nghĩ, suốt thời gian vừa qua, nghệ sĩ nhớ khán giả, khán giả nhớ nghệ sĩ đã là điều đủ để khi gặp lại khán giả nhớ và ấn tượng rồi.
Đẹp dịu dàng, thướt tha áo dài, hình ảnh của Tân Nhàn quá quen thuộc, chị ngại thay đổi dù chỉ là trên những bộ ảnh sao?
- Từ nhỏ Tân Nhàn sống với âm nhạc truyền thống, yêu dân ca, yêu dòng nhạc dân gian của Việt Nam mình, vì thế mà cũng yêu luôn vẻ đẹp của người phụ nữ Việt với tà áo dài tha thướt, nền nã mà vẫn quyến rũ. Tân Nhàn nghĩ, áo dài đủ để làm hình ảnh trước hết là người phụ nữ, sau đó là người nghệ sĩ dòng nhạc của Tân Nhàn đẹp dịu dàng tha thướt. Phụ nữ về cơ bản cũng chỉ mong mình đẹp dịu dàng, tha thướt trong mắt người khác, như vậy, đâu quá quan trọng đến chuyện chạy theo những điều đột phá?
Tuy nhiên, nếu mọi người để ý sẽ thấy Tân Nhàn cũng luôn biết làm mới mình với những thiết kế áo dài mới, lạ, không bao giờ lặp lại, có những thiết kế cũng khá táo bạo khi để trễ vai, lệch vai như trong MV "Chơi vơi" đã ra mắt dịp 8/3.
Một hình ảnh mới khác hẳn, đáp ứng nhu cầu đổi mới của khán giả là điều mà Tân Nhàn chưa bao giờ mạo hiểm sáng tạo, hay chị rất tự tin vào nhan sắc ưa nhìn là đủ?
- Tân Nhàn chắc chắn là không ai đủ tự tin vào nhan sắc để "đủ" cả. Phụ nữ ai cũng thích thời trang, mê thời trang. Trên sân khấu Tân Nhàn gắn bó với áo dài truyền thống nhưng ngoài đời cũng khá phóng khoáng, đa dạng trong ăn mặc. Là nghệ sĩ, Tân Nhàn biết mình nên sử dụng trang phục ra sao để phù hợp với ca khúc, sân khấu mình biểu diễn và đẹp lòng khán giả của mình. Tân Nhàn nghĩ, mạo hiểm, cố gắng làm mới để tìm kiếm cái gọi là sáng tạo nếu không phù hợp sẽ làm hại chính người nghệ sĩ. Vậy nên, tốt nhất là hãy luôn phù hợp với chính mình, hợp hoàn cảnh và lĩnh vực nghệ thuật mà mình theo đuổi.
Nhiều ca sĩ sẵn sàng hạ cái tôi mình xuống để nghe khán giả cần gì, muốn gì để mà thay đổi, đáp ứng trong âm nhạc. Tân Nhàn nghĩ sao và sẽ làm như thế chứ?
- Trong quá trình phát triển của mỗi người nghệ sĩ cần một sự hài hoà, đó là việc hài hoà giữa lắng nghe khán giả và định hướng khán giả. Nghệ sĩ luôn cần lắng nghe khán giả để điều chỉnh những điểm còn khuyết thiếu của mình, nghe khán giả để biết họ đang thích gì, hay còn gọi là lắng nghe thị hiếu, và đáp ứng mong chờ của họ. Nghệ sĩ cho đến cùng vẫn là phục vụ công chúng, vậy thì nghe khán giả là điều cần thiết.
Tuy nhiên, là một nghệ sĩ cũng không thể chiều khán giả quá, bởi nếu chiều khán giả sẽ dễ đi vào lối mòn, không có những phát triển mới. Trong sự nghiệp của một nghệ sĩ, điều mà nghệ sĩ cống hiến cho âm nhạc nước nhà chính là tính định hướng khán giả đến với những điều mới mẻ, đến với những giá trị nghệ thuật đích thực, hướng họ cùng phát triển thì mới có thể cùng đưa âm nhạc phát triển được. Tôi không chiều khán giả của mình quá nhiều, mà tôi luôn cố gắng định hướng họ đến với những cái mới. Ví như tôi đã không ngừng nỗ lực để đem âm nhạc truyền thống trở lại, biểu diễn trên sân khấu lớn, làm mới nhạc truyền thống tiệm cận với âm nhạc thế giới… Tôi hạnh phúc khi khán giả vốn yêu Tân Nhàn ở những ca khúc quen thuộc đã yêu những điều tôi làm và yêu nhạc truyền thống như tôi mong chờ.
Nhiều sản phẩm âm nhạc bây giờ theo xu hướng là "lời nói cửa miệng" như: Chạy ngay đi chờ chi, Đi đu đưa đi… để dễ dàng hòa nhập trào lưu hơn. Tân Nhàn nghĩ sao về những lựa chọn này và cách chọn ra sản phẩm của chị có vẻ đi khác xu hướng?
- Với vai trò là người đào tạo thế hệ trẻ, luôn quan sát âm nhạc ở mọi dòng nhạc, mọi khía cạnh, tôi nhận thấy đó là xu hướng thông minh, biết hoà nhập với thị hiếu hiện nay của các bạn trẻ. Một bài hát khi ra ngoài được khán giả đọc thành câu cửa miệng cũng vui lắm chứ, bản thân tôi thi thoảng còn nói theo nữa là! (cười).
Tôi nghĩ mỗi thế hệ, mỗi dòng nhạc sẽ có những đặc điểm khác nhau, không thể so sánh nhạc trẻ với nhạc truyền thống được. Nhạc trẻ có thể đem câu nói cửa miệng để tiếp cận công chúng, nhưng dòng nhạc truyền thống của chúng tôi giống như một người đã trưởng thành, đủ độ chín nên ca từ, âm nhạc đều là chín chắn, chỉn chu. Vì vậy, dòng nhạc này cũng phù hợp với đối tượng khán giả trưởng thành là vậy.
Thời bây giờ không chỉ hát hay, đẹp mà ca sĩ còn phải "tốt gỗ tốt cả nước sơn". Tân Nhàn nghĩ sao về việc tạo sự khác biệt trên nền tảng sở hữu nhan sắc đẹp, sang, nhưng nhiều nữ nghệ sĩ cùng sở hữu như hiện nay?
- Nói thật là chưa bao giờ Tân Nhàn thấy rằng vấn đề "nước sơn" được coi trọng như hiện nay trong nghệ thuật. Mặc dù từ ngàn xưa thì chuyện "nước sơn" cũng là chuyện quan trọng, nhất là đối với nghệ sĩ. Hiện nay, vì đáp ứng của nhu cầu nghe và nhìn của khán giả nên ngoại hình là một yếu tố quan trọng mà mỗi nghệ sĩ đều cần phải chăm chút như một cách tôn trọng khán giả của mình hơn.
Dù vậy, Tân Nhàn nghĩ, quan trọng nhất vẫn là tài năng. Vì tài năng mà khán giả đến với nghệ sĩ và vì tài năng mà khán giả ở lại với nghệ sĩ. Nếu không có tài năng thì dù bạn đẹp đến mấy cũng chỉ là một bình hoa thắm rồi tàn mà thôi. Tài năng sẽ giúp người nghệ sĩ ở lâu nhất trong lòng công chúng và từ đó khắc họa nên vẻ đẹp của họ. Khi bạn yêu một người, ban đầu có thể vì "sắc", nhưng sau cùng điều gắn bó bạn và người đó lâu bền là tâm hồn. Tài năng cũng chính là tâm hồn để tạo nên hồn cốt của người nghệ sĩ.
Trông bề ngoài Tân Nhàn là một ca sĩ mềm mại, nhan sắc dịu dàng, đó cũng là tính cách của chị. Một phác họa khác về Tân Nhàn ngoài cuộc sống mà chị tự họa cho mình sẽ như thế nào?
- Nói về mình thật không dễ, thậm chí là rất khó do tính chủ quan quy định. Nhưng tôi có thể nói theo cách bạn thân tôi nói về tôi, đó là "trong cứng, ngoài mềm". Đủ dịu dàng để là một phụ nữ, một nghệ sĩ duyên dáng trên sân khấu. Cũng đủ mạnh mẽ, cứng cỏi để bước qua rất nhiều chông gai trong cuộc sống.
Cô giáo Tân Nhàn và ca sĩ Tân Nhàn, mỗi vai trò mang đến cho chị điều giá trị gì trong cuộc sống?
- Sinh ra là một người đam mê các làn điệu dân ca, mơ ước được đứng trên sân khấu biểu diễn. Lớn lên được đào tạo bài bản về thanh nhạc, được đứng trên các sân khấu lớn, là người nghệ sĩ được khán giả biết tới. Ra trường tham gia công tác giảng dạy thanh nhạc. Đối với Tân Nhàn đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trên mỗi cương vị Tân Nhàn đều cảm thấy hạnh phúc và có một trách nhiệm lớn lao.
Tân Nhàn luôn muốn làm tốt cả hai vai trò này. Nhưng như Tân Nhàn vẫn thường chia sẻ, việc được đứng trên sân khấu biểu diễn, được đông đảo khán giả biết tới mình là điều vô cùng tuyệt vời đối với người nghệ sĩ. Nhưng trở thành người thầy giỏi, đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng của đất nước, đóng góp vào sự phát triển của chung của nền âm nhạc Việt Nam đối với Tân Nhàn còn ý nghĩa hơn rất nhiều.
Có khi nào trách nhiệm với vai trò giảng dạy nên những bứt phá sáng tạo của nghệ sĩ Tân Nhàn bị giới hạn hai chữ "hình mẫu" cho học trò noi theo?
- Tân Nhàn luôn dạy học trò mình phải liên tục sáng tạo, vì vậy, Tân Nhàn không nghĩ rằng học trò mình sẽ phải giới hạn điều gì đó. Có sáng tạo mới là nghệ sĩ đích thực, không sáng tạo bạn sẽ đơn giản là người hát karaoke thôi. Tuy nhiên, sáng tạo phải phù hợp với bản thân và phải có những chuẩn mực nhất định. Một nghệ sĩ không thể mặc quần ngắn hở lưng hở bụng lên hát một ca khúc nhạc truyền thống được. Thế nên, dạy học trò các tiêu chuẩn Chân - Thiện - Mỹ và sự phù hợp mới là trách nhiệm của người giáo viên.
Cảm ơn Tân Nhàn về buổi trò chuyện này. Chúc Tân Nhàn luôn đạt được nhiều thành công, hạnh phúc như ý!